Những điều chưa kể đằng sau mỗi thanh thép Việt

28 Tháng Chín, 2020

Xã Hiệp Sơn nằm ở phía Bắc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương với tổng diện tích tự nhiên 716 ha. Toàn xã có 2.559 hộ và 7.762 nhân khẩu.

Vũ Đức Thuận sinh năm 1985, dáng người cao cương nghị. Những năm 2000, diện tích đất nông nghiệp địa phương thu hẹp, nhiều nhà máy, khu công nghiệp mọc lên. Lứa thanh niên như Thuận hoặc làm công nhân, hoặc lên Hà Nội hoặc vào Nam. Còn Thuận, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành điện một trường cao đẳng nghề tại địa phương, như bao anh chị em, anh chọn cách ly hương. Năm 2006-2007 kinh tế suy thoái, Thuận học lái xe và chuyển nghề. Rong ruổi đường dài Bắc-Nam với các chuyến hàng đa phần là vật liệu xây dựng.

Năm 2008, một lần trong lúc giao hàng, anh nghe lỏm rằng Hòa Phát xây nhà máy gần nhà và đang tuyển công nhân. Hôm sau, mẹ anh gọi vào nhắn nhủ “khu này to lắm”. Tò mò, Thuận trở về quê hương nộp hồ sơ xin việc.

“Khi đó quanh địa phương toàn nhà máy xi măng, ngành điện tử. Tiêu chí tuyển công nhân cũng khó. Đằng này là một ông làm thép, tôi cũng không chắc họ có cần người”, Thuận nói.

Đến nhà máy Thuận ngỡ ngàng vì không như những gì tưởng tượng. Chỉ có một hạng mục đang thi công, phần diện tích mấy chục hecta còn lại là đất trống. Thuận cũng trúng tuyển.

Mức lương khởi điểm 1,4 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với chạy xe. Anh thấy mông lung với quyết định trở về. “Thời điểm đó công nhân chỉ 200-300 người, nhìn cả công trường dở dang tôi nghĩ không biết bao giờ nhà máy mới vận hành” anh nói.

“Đã về nghĩa là không còn cửa đi vì lời hứa ổn định cuộc sống với cha mẹ già”, Thuận kể về những suy tư lúc đó . Câu nói “doanh nghiệp này đang mạnh lắm” lởn vởn trong đầu. Anh dần vững tin hơn về cơ hội ổn định cuộc đời.